Học sinh theo học chương trình quốc tế như IBDP, WACE, SACE… có thể rút ngắn lộ trình du học, được công nhận năng lực tại nhiều quốc gia phát triển.
Các trường trung học tại Việt Nam áp dụng rất nhiều chương trình giáo dục quốc tế. Trong đó, Tú tài Quốc tế (IBDP) đã được triển khai tại một số trường quốc tế trong hơn 20 năm qua. Đây là chương trình quốc tế trung lập, học sinh nào ở độ tuổi từ 16 đến 19 có thể theo học nếu đạt đủ điều kiện đầu vào.
Ngoài chương trình IBDP, học sinh Việt cũng có cơ hội tiếp cận các chương trình quốc tế khác như Tú tài bang Tây Úc (WACE), Tú tài Mỹ (ADP), Tú tài bang Nam Úc (SACE)... Phần lớn các chương trình này kéo dài từ 2 đến 4 năm học. Học sinh đạt đủ yêu cầu tốt nghiệp sẽ nhận bằng tú tài, được công nhận rộng rãi tại các quốc gia như Mỹ, Australia, Canada và các trường đại học giảng dạy tiếng Anh khác.
Nhờ đó, các chương trình tú tài mở ra cho học sinh nhiều cơ hội hơn. Đầu tiên, người học có cơ hội tiếp xúc với các tiêu chuẩn giáo dục đạt chuẩn quốc tế từ những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, đây là bước đầu tiên để trở thành công dân toàn cầu thông qua nền giáo dục mang tính quốc tế hóa.
Bên cạnh đó, học sinh tốt nghiệp sẽ sở hữu tấm bằng tốt nghiệp được công nhận rộng rãi và được kiểm định, thông qua bởi các tổ chức học thuật có thẩm quyền.
Ví dụ, chương trình Tú tài bang Tây Úc tại Hệ thống Trường Tây Úc (WASS) có sự kiểm định và công nhận của Hội đồng Học thuật Bang Tây Úc (SCSA). Trường triển khai WACE theo khung chương trình chung của Australia, do Cơ quan Phúc trình và Thẩm định Chương trình Học thuật Australia (ACARA) quản lý ở các môn Tiếng Anh, Toán và Khoa học.
Sau khi hoàn thành chương trình học ở lớp 11 và 12, học sinh WASS sẽ nhận bằng Tú tài WACE, bảng đánh giá xếp hạng ATAR và bảng điểm WASSA. Cả ba yếu tố này là bằng chứng về năng lực học thuật, giúp làm đẹp hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học trên thế giới.
Thứ ba, học sinh có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị cho kế hoạch du học. Thông thường, chương trình ở Việt Nam và các quốc gia khác có sự chênh lệch nhất định. Do đó, nhiều bạn phải tham gia chương trình dự bị trước khi vào khóa học chính thức khi du học.
Ví dụ, tại Việt Nam, học sinh Hệ thống Trường PennSchool (TP HCM) được khuyến khích theo học Tú tài Mỹ (ADP) từ lớp 9 đến 12. Chương trình này được quản lý bởi Sở giáo dục Greenville, bang Pennsylvania. Sau tốt nghiệp, các em nhận bằng cùng bảng điểm từ Greenville High School. Nhờ đó, phần lớn học sinh này không mất nhiều thời gian để tham gia các khóa dự bị khi muốn du học Mỹ.
Ngoài ra, học sinh có thể tiết kiệm chi phí học tập đáng kể khi rút ngắn lộ trình này. Theo đại diện đơn vị quản lý hai hệ thống, các chương trình tú tài tại WASS và PennSchool đều có mức học phí tương đương chương trình song ngữ tích hợp tại các trường quốc tế khác.
Cả hai trường đang triển khai các chương trình học bổng tú tài với giá trị từ 20% đến 100% học phí. Điều đó phần nào giúp học sinh giảm bớt gánh nặng tài chính khi theo đuổi lộ trình học quốc tế.